Viet NamEnglish (United Kingdom)
TÌM KIẾM
TIN TỨC MỚI
HÌNH ẢNH SẢN PHẨM






 
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online 1 người
  • Có 54149 lượt truy cập

PostHeaderIcon Kịch bản nào cho thị trường dầu?

TT - Giá nhiên liệu đã nhảy vọt từ vài tuần qua và chưa có dấu hiệu cho thấy cơn sốt không mong muốn này sẽ dừng lại. Tại Mỹ, các nhà phân tích cho rằng xăng sẽ chạm ngưỡng 4 USD/galông (hơn 22.000 đồng/lít) trong vài tháng sắp tới, và lên đến 5 USD trong mùa hè là một việc hoàn toàn có thể.


Một khách hàng bơm xăng vào xe hơi tại trạm xăng ở San Francisco ngày 25-2 trong bối cảnh giá xăng dầu đang tăng - Ảnh: Getty Images

Điều đáng lo ngại của những lần tăng giá gần đây là không hề có sự thiếu hụt về dầu thô khi kho dự trữ của Mỹ đang ở mức cao nhất trong 20 năm, theo số liệu của Global Research. Yếu tố đang thao túng thị trường dầu thế giới hiện nay chính là dự báo những gì có thể xảy ra bên trong “thùng thuốc súng” địa - chính trị ở Trung Đông.

Ngày 2-3 người đứng đầu Tập đoàn Dầu khí quốc gia Libya đưa ra dự báo rằng với tình hình quốc gia này đang ở ngưỡng của một cuộc nội chiến, giá dầu thô sẽ tăng lên 130 USD/thùng trong vòng một tháng. “Thị trường dầu rất nhạy cảm. Những dự báo rất quan trọng đối với thị trường này. Khi bạn thấy việc sản xuất ở một quốc gia trọng điểm đi xuống, bạn lo sợ giá dầu sẽ không dừng lại” - ông Shokri Ghanem, chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia Libya, nói với Reuters.

Tuy nhiên, đó có thể chỉ là sự bắt đầu. Nomura Capital và Deutsche Bank còn dự đoán giá dầu sẽ tăng lên trên 200 USD/thùng, thậm chí hơn nữa. “Giá dầu đã bắt đầu gây tổn thương cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Ngân hàng trung ương các nước đang đau đầu về việc họ phải làm gì với nạn lạm phát” - Adam Sieminski, trưởng kinh tế năng lượng của Deutsche Bank, nhận định.

Saudi Arabia hứa sẽ bù đắp cho sản lượng thiếu hụt của Libya, dù vậy đó chỉ là giải pháp tạm thời vì còn phải tính đến nhu cầu năng lượng tăng không ngừng của thế giới. Cơ quan Năng lượng thế giới (IEA) ước tính năng suất dự phòng của khối OPEC là 5 triệu thùng/ngày.

Theo chuyên gia kinh tế Todd Hirsch của ATB Financial, có vài kịch bản chính cho thị trường dầu trong thời gian sắp tới:

Kịch bản xấu nhất: căng thẳng ở Libya sẽ leo thang và lan sang các nước dầu mỏ khác của Trung Đông như Saudi Arabia, Iran và Algeria. Nguồn cung cấp dầu cho thế giới sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các nước khai thác dầu khác như Nga, Mỹ, Canada... sẽ không đủ khả năng bù đắp sự thiếu hụt này trong thời gian ngắn.

Kịch bản tốt nhất: nhà lãnh đạo Libya từ chức, các cuộc nổi dậy sẽ nguội dần (giống trường hợp Ai Cập). Nguồn cung cấp dầu sẽ không bị ảnh hưởng, thậm chí không khí chính trị mới sẽ thúc đẩy một làn sóng đầu tư mới vào công nghiệp khai thác dầu của Trung Đông.

Trên thực tế, một kết cuộc nằm giữa hai khả năng này có thể sẽ xảy ra. Viễn cảnh không mấy chắc chắn cho Trung Đông đang khiến dư luận lo lắng và nghiêng về kịch bản xấu hơn là tốt.

Irina Yasina, nhà kinh tế đồng thời là nhà báo của RIA Novosti, nhận xét nhiều nước xuất khẩu dầu lớn trong đó có Nga đang hưởng lợi từ cơn sốt giá này. “Trong khi thế giới Ả Rập đang điên đảo thì các quan chức của chúng ta ngồi đếm lợi nhuận thu về từ xuất khẩu dầu. Đợt hạn hán mùa hè vừa qua được thay bằng một cơn mưa vàng” - bà nói.

Cuộc khủng hoảng giá dầu hiện tại giống với giai đoạn của cuộc chiến tranh vùng Vịnh 1990-1991: năng suất dự trữ của OPEC giảm xuống 1,8 triệu thùng/ngày và giá dầu tăng hơn 150% trong vòng ba tháng đầu tiên. Mặc dù diễn ra trong thời gian không dài và mức độ không căng thẳng bằng cuộc khủng hoảng năng lượng năm 1973 và 1979, nhưng việc giá cả tăng lần đó được xem là nguyên nhân quan trọng dẫn đến suy thoái kinh tế ở những năm đầu thập niên 1990. Financial Times đánh giá đỉnh giá dầu ngày 3-3 gần 120 USD/thùng là đã tăng gần 25% so với cuối tháng 1.

“Tôi nghĩ nó giống như cuộc chiến vùng Vịnh thứ nhất, người ta không biết nó sẽ kéo dài bao lâu” - James Zhang, nhà phân tích năng lượng của Standard Bank, nói. Sự can thiệp và thành công quân sự của Mỹ trong cuộc chiến đã làm giảm nhẹ rủi ro về nguồn cung năng lượng, góp phần trấn an thị trường và khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư. Đợt khủng hoảng lắng dịu chỉ sau chín tháng.

“Nguyên tắc của thị trường là nếu có một điểm dừng cho cuộc khủng hoảng, sẽ không có cú sốc nào về nguồn cung. Nó sẽ giảm áp lực lên giá dầu, vì nếu không có cú sốc, dự trữ và năng suất dư thừa hoàn toàn đủ để đáp ứng nhu cầu hiện nay” - nhà phân tích Pearlyn Wong của Ngân hàng Julius Baer nhận định.

Tom Kloza, chuyên gia phân tích cấp cao của Trung tâm thông tin giá dầu Mỹ, tính toán xăng tăng giá cứ mỗi 0,25 USD, nước Mỹ phải chi thêm 3 tỉ USD để giúp xe cộ tiếp tục chạy. Những người có thu nhập thấp nhất sẽ là những người đầu tiên phải hứng chịu hậu quả của giá năng lượng tăng, họ sẽ phải bỏ ra thêm thời gian lao động và càng trở nên nghèo hơn. Bất ổn xã hội là điều không thể tránh khỏi.

MINH TRUNG (Theo Bloomberg, RIA Novosti, Reuters, Financial Times)

 
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
19 - Đường Nguyễn Hiến Lê - Phường 13 - Quận Tân Bình
Tel: 028-38124999
Fax: 028 - 38105999

Call Phòng kinh doanh
Phòng kinh doanh

Call Phòng kinh doanh
Phòng kinh doanh
 
SẢN PHẨM ƯA CHUỘNG




 
LOGO ĐỐI TÁC